NÊN THIẾT KẾ WEBSITE BẰNG CODE TAY HAY DÙNG CMS

Vòng quanh những website, các diễn đàn công nghệ xoay quanh các Topics về thiết kế website của dân lập trình, tôi nhận thấy có rất nhiều thắc mắc của các bạn xung quanh việc nên làm website bằng code tay, dựa trên các ngôn ngữ lập trình như PHP, Asp.NET, Java,… hay sử dụng những CMS phổ biến như WordPress, Joomla, Drupal,… sẽ “ích nước, lợi nhà” hơn. Từ việc so sánh giữa 2 công nghệ này, lại nảy sinh nhiều câu hỏi liên quan khác, cụ thể là “Tại sao có một số website mà giá thiết kế chỉ tầm 500,000đ đổ lại, trong khi một số khác lại dao động từ chục triệu đến vài trăm triệu đồng?”

Nếu bạn đã tìm thấy bài viết này, nghĩa là bạn cũng đang có cùng câu hỏi tương tự. Tôi biết, vì tôi cũng từng như thế, và chắc chắn mọi Web Developers đều đã từng như thế. Vậy nên, trong giới hạn bài viết ngày hôm nay, tôi xin chia sẻ với bạn về 2 luận điểm của mình: Thứ nhất, là về cốt lõi, mấu chốt bản chất của CMS và code tay. Còn thứ hai, sẽ là giúp bạn xác định thiết kế website bằng mã nguồn mở hay code tay sẽ là sự lựa chọn tốt nhất đáp ứng cho công việc xây dựng web.

Tại sao lại có sự so sánh này?

Việc hiểu được cốt lõi của hai khái niệm phổ biến trong lập trình web là CMS và Code tay chính là bước đầu tiên mà một “newbie” mới học lập trình cần phải lĩnh hội để tiếp tục phát triển sự nghiệp của mình trong lĩnh vực này. Nhưng hãy nghiền ngẫm thật kỹ lưỡng chứ đừng chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” bạn nhé, vì nhìn chung thì phần kiến thức nền tảng này cũng khá là quan trọng đấy!

Việc lập trình một website, phần mềm nào đó, nó cũng tương tự như việc bạn xây một ngôi nhà. Một ngôi nhà được dựng nên bởi rất nhiều viên gạch và nhiều loại vật liệu khác như xi măng, cát,… chứ riêng một viên gạch thì chẳng làm được điều gì cả. Vậy thì mỗi một dòng code trong lập trình cũng đóng vai trò như những viên gạch trong việc xây nhà vậy, muốn tạo ra một website hoàn thiện, bạn phải gom gộp cả triệu dòng code, chứ không đơn giản biên vài dòng lấy lệ là xong!

Nhưng liệu có phải cứ hễ mỗi lần nhận dự án, là mỗi lần bạn ngồi viết lại cả triệu dòng code như thế hay không? Ồ, tất nhiên là không, bởi nếu như thế thì chắc các Developers sẽ đua nhau bỏ nghề sớm cho bớt … đau não! Thay vào đó, người ta sẽ linh hoạt sử dụng giữa giải pháp code tay hoặc các bộ code sẵn có. Cũng chính từ đây, hai khái niệm này thường bị “dân tình” đặt lên bàn cân so sánh và trở thành một vấn đề muôn thuở của cộng đồng lập trình viên.

content_management_system1-1

Bản chất của CMS và Code tay:

CMS là gì?

CMS ( Content Management System ) hay chúng ta thường gọi với một cái tên khá “kêu” là “Hệ thống quản trị nội dung”. Đây là một bộ khung, một thư viện khổng lồ, được các tổ chức công nghệ uy tín đứng ra phát triển và chia sẻ cho nhiều lập trình viên sử dụng.

Bạn có thể xem CMS là trung tâm điều khiển các thao tác đặc biệt, hoặc những nội dung được phép hiển thị trên một website. CMS giúp bạn “làm sẵn” nội dung của website lên đến 70-80%, việc còn lại của bạn chỉ là bổ sung và hoàn thiện nốt 20% còn lại, giúp bạn thiết kế website nhanh hơn, tiện lợi hơn, và thậm chí là không đòi hỏi bạn phải biết quá nhiều về lập trình. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, chẳng có cái gì vẹn cả đôi đường. Hạn chế của các mã nguồn mở chính là việc chỉnh sửa mà bạn được phép thực hiện trong quá trình lập trình website bằng CMS lại bị giới hạn trong một phạm vi nhất định những dữ liệu, giao diện có sẵn trong thư viện.

article_1527221424_828

Code tay là gì?

Ngược lại với các mã nguồn mở, code tay bắt buộc người lập trình phải là một bậc thầy có nền tảng chuyên sâu, kinh nghiệm vững vàng kết hợp với các thao tác bài bản nhất. Theo đó, một website code tay sẽ được lập trình từ đầu, từ khâu vẽ sơ đồ chức năng của website cho đến nội dung từng phần bên trong website đó mà vẫn phải đảm bảo được khả năng tối ưu hóa dung lượng, khả năng vận hành nhanh cũng như tính ổn định của trang web đó.

Thường thì tôi thấy các Web Developers sẽ sử dụng kèm Framework để hỗ trợ quy trình thiết kế của mình. Bạn có thể hình dung Framework giống như một bộ khung, hay một giàn giáo, cung cấp cái sườn để lập trình viên dựa vào đó để bồi thêm cái này, đắp thêm cái kia cho đến khi tạo ra được một website thành phẩm. Nhờ có framework, bạn chỉ cần hoàn thành 80% nội dung còn lại của trang web, nhưng tất nhiên là khối lượng công việc cần làm sẽ vẫn “niễng” hẳn về phía bạn.

tim-y-tuong-kinh-doanh-Online

Do đâu mà người ta thường nhầm khái niệm CMS với Framework?

Bạn không nhìn lầm đâu! Thực tế thì rất nhiều lập trình viên vẫn chồng chéo lẫn lộn hai khái niệm CMS và Framework với nhau, kể cả khi chúng ta vừa chỉ ra sự khác biệt rõ rệt giữa chúng với nhau.

Sự khác biệt ở đây chính là với CMS, bạn sẽ có ngay một trang web có thể đưa ngay vào sử dụng, mà thậm chí đôi khi bạn chẳng cần phải code bất cứ một dòng nào luôn ấy! Trong khi Framework lại chỉ cung cấp cho bạn những công cụ như hàng tá các API, thư viện để tự thiết kế website. Sự liên quan duy nhất, có chăng chính là đa phần các CMS trong thực tế đều được phát triển trên 1 nền tảng framework nào đó mà thôi!

Ưu và nhược điểm khi thiết kế website bằng code tay và CMS:

Đối với CMS:

Ưu điểm:
  • Ổn định, rõ ràng do được xây dựng bởi nhiều lập trình viên trình độ bậc thầy, được kiểm duyệt bởi các tổ chức có uy tín và chuyên môn cao. Khi sử dụng CMS cho mục đích thiết kế web, bạn sẽ dễ dàng tạo ra một thiết kế chuẩn, có độ bảo mật cao, đi kèm với tốc độ tải – load trang nhanh, được hỗ trợ bởi các công cụ tìm kiếm đa dạng và phổ biến như Google, Coccoc,…
  • Nhiều tools, module, giúp Web Developers giải quyết được mọi vấn đề trong tích tắc mà không cần “dài lưng” ngồi gõ code từng dòng. Tất cả những gì bạn cần làm, chỉ đơn giản là thay tên đổi họ, chỉnh sửa vài thông tin phù hợp với dự án,… Thế là xong!
Nhược điểm:
  • Đã là mã nguồn mở, thì bạn phải chấp nhận việc không chỉ riêng bạn, mà rất nhiều “đồng môn” của bạn cũng sẽ biết tới. Thậm chí, kể cả những người mới tập tành trong lĩnh vực thiết kế cũng có thể tạo ra một website bằng cách thức này. Vậy nên, chắc chắn, bạn sẽ không thể sử dụng CMS để thiết kế website cho các dự án lớn, do giải pháp này hoàn toàn không mang tính cá nhân một chút nào. Mã nguồn CMS được chia sẻ phổ biến và gần như hoàn toàn công khai, không khó để những hacker có thể nghiên cứu và tìm ra những lỗ hổng bên trong.
  • Do được phát triển bởi nhiều người, nên đôi khi, sự thiếu đồng bộ đó sẽ khiến CMS phát sinh một vài lỗi nhỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị hacker đánh sập. Tuy nhiên, khả năng bảo mật của các CMS không ngừng được cải thiện, đặc biệt mà WordPress, một trong những mã nguồn mở tốt nhất hiện nay.

image001-1

  • Đối với Code tay:

    Ưu điểm:
    • Thiết kế website bằng cách code tay là giải pháp không dành cho Amateur. Nó thể hiện được trình độ cực kỳ giỏi trong chuyên môn của người lập trình viên. Gần như không có cách nào để viết được một thư viện hay hệ thống, nếu như bạn không có những kiến thức hay sự am hiểu nhất định về code.
    • Code tay thích hợp để phục vụ cho những dự án mục tiêu của bạn nhờ tính tùy biến và thích ứng cục bộ, đáp ứng được thị trường khách hàng cao hơn.
    • Khi bạn có nhu cầu nâng cấp website, hoặc điều chỉnh thiết kế web sao cho hoàn thiện theo nhu cầu của khách hàng, mọi thứ đều trở nên “dễ thở”, bởi vì toàn bộ website đều do một tay bạn build lên cơ mà, vậy thì việc thay đổi đôi chút chắc chắn cũng không thể làm khó bạn.
    • Nếu sử dụng Framework trong quá trình thiết kế website, nghĩa là bạn đã nhận được đến 20% sự giúp đỡ từng một “trợ thủ” đắc lực rồi đấy! Tất cả những gì mà bạn cần chính là hoàn thành nốt 80% còn lại.
    Nhược điểm:
    • Chi phí mà khách hàng phải trả cho một website được code tay hẳn là sẽ không hề rẻ một chút nào.
    • Chỉ những lập trình viên thật sự rất giỏi mới có thể hạn chế đến mức tối đa những lỗi lập trình, đồng thời tối ưu hóa các chức năng, tốc độ load của website. Bạn biết đấy, những sản phẩm thủ công là không thể hoàn hảo. Tất nhiên là bạn vẫn có thể sửa và hoàn chỉnh các lỗi này, nhưng sẽ mất khá nhiều thời gian đấy!
    • Website code tay cũng gây ra trở ngại về mặt thời gian. Nhanh thì 15-30 ngày để hoàn thiện, còn chậm thì việc khách hàng phải “lót dép hóng” vài ba tháng là bình thường! Trong thời buổi “Nhất cự ly, nhì tốc độ” như hiện nay, bạn nghĩ khách hàng của bạn có sẵn sàng để chờ đợi?

kinh-nghiem-thiet-ke

Nên làm website bằng code tay hay dùng CMS?

Chọn code tay hay CMS tốt hơn?

Điều này hoàn toàn phụ thuộc 100% vào hoàn cảnh và nhu cầu của bạn là gì mà chúng ta sẽ linh hoạt áp dụng giải pháp đó, chứ hoàn toàn không có chuyện nên hay không nên làm website bằng cách nào.

Nhiều người có xu hướng so sánh những website được thiết kế bằng mã nguồn mở giống như hàng công nghiệp, sản xuất theo lô và rập khuôn, trong khi website code tay lại được ví von như những bộ cánh haute couture, như hàng gia công chất lượng cao.

Trên thực tế, mặc dù bản thân Mona Media cũng là một công ty cung ứng dịch vụ thiết kế website bằng code tay, nhưng riêng cá nhân tôi thì không đồng ý quan điểm này, bởi đó là một nhận định quá vội vàng và thiếu kinh nghiệm. Rất nhiều đơn vị đã triển khai rất nhiều dự án lập trình website code tay, thế nhưng website của họ vẫn được thiết kế trên nền tảng CMS WordPress, đơn giản là bởi yếu tố tương thích, chứ không liên quan gì đến trình độ chuyên môn trong lĩnh vực lập trình đâu nhé!

Chọn theo nhu cầu là chọn ra sao?

Tất cả những gì chúng ta hướng đến, chính là mức độ hoàn thành của website, khả năng tối ưu hiệu suất và giảm thiểu thời gian lập trình cho Web Developers. Nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp thiết kế website nhanh – gọn – lẹ, hãy chọn mã nguồn mở, bởi nó là sự lựa chọn tốt nhất dành cho bạn. Còn nếu dự án bạn đang thực hiện yêu cầu cao ở chất lượng, là một website đầu tư để sử dụng về lâu dài, đòi hỏi nhiều chức năng xử lý, đồ họa đẹp, độc đáo, chuẩn SEO, chuẩn Responsive,… thì hãy dùng giải pháp code tay hoặc thiết kế website theo yêu cầu.

Lạm dụng thiết kế web bằng code tay gây hậu quả gì?

Hãy hình dung về nhu cầu thiết kế web của bạn cũng giống như mong muốn sở hữu một chiếc xe máy để đi làm. Giả sử, bạn không hề có nhu cầu “tậu” một chú “ngựa chiến” để phượt địa hình hay đua xe tốc độ. Rõ ràng, trên thị trường hiện nay có khá nhiều thiết kế xe đáp ứng “khớp” với nhu cầu của bạn. Nhưng thay vì lựa chọn chúng, thì bạn lại yêu cầu một người thợ sửa xe chế lại mọi thứ.

Như vậy, nhu cầu trên chẳng những không cần thiết, mà thậm chí còn gây ra sự phát sinh nhiều rủi ro nhất định:

Thứ nhất, gặp thợ lành nghề thì không nói, “đụng” phải những amateur “gà chip” thì có lẽ đến tết Công Gô cũng chưa ra được thành phẩm ra hồn.

Kế đến, nếu bạn yêu cầu một chiếc xe y hệt như một mẫu xe đã có sẵn trên thị trường, nhưng lại không sử dụng máy móc, phụ tùng chính hãng của nó, thì sẽ rất phí công để build, vừa tốn tiền, vừa tốn sức mà lại chẳng thu lại được lợi ích gì.

Thứ ba là chất lượng. Một chiếc xe phổ thông để có thể trình làng ra thị trường, điều đó đồng nghĩa bản thân công nghệ xe đã trải qua nhiều năm nghiên cứu, kiểm chứng để đảm bảo khả năng vận hành hoạt động trơn tru, ổn định. Trong khi đó, với một sản phẩm mới, không điều gì có thể bảo chứng cho chất lượng của những chức năng cơ bản, chưa bàn đến yếu tố rủi ro, các lỗi chưa phát hiện để khắc phục,…

Khi nào nên sử dụng code tay?

Qua ví dụ trên, không khó để bạn có thể thấy rằng đôi khi, việc bạn bỏ ra 100 triệu cho một thiết kế website code tay, nhưng đôi khi độ hoàn thiện và hiệu quả sử dụng của nó còn chẳng bằng một website CMS lập trình sẵn chỉ vài triệu đồng nhưng “hưởng sái” được nền tảng web được nghiên cứu và phát triển nhiều năm.

Thường thì bạn chỉ nên yêu cầu một dịch vụ thiết kế website code tay trong trường hợp trang web cần quá nhiều sự “cải cách”, thêm thắt và giảm tải nhiều chức năng để đáp ứng nhu cầu sử dụng cá nhân mà thôi. Một số dạng website phổ biến có thể kể đến như website giới thiệu doanh nghiệp, trang tin tức, các website bán hàng phức tạp hơn,…

ảnh-hưởng

Kết luận:

Chúng ta vừa cùng nhau làm rõ vấn đề muôn thuở đối với các lập trình viên Website, đó là nên thiết kế website bằng CMS hay code tay. Bài viết này được lấy ý tưởng từ Video của anh Hùng từ Mona Media. Như bạn có thể thấy, kiến thức hay, khái niệm chuẩn thì có đầy, quan trọng là bạn sẽ áp dụng phương cách nào để phù hợp nhất với dự án thiết kế website của mình mà thôi.

Nếu bạn đang có những thắc mắc mà trong giới hạn bài viết trên tôi chưa thể giải đáp hết cho bạn, đừng ngần ngại liên hệ ngay lập tức để Dsmart có thể lắng nghe và hỗ trợ nhanh chóng nhất nhé! Chúc các bạn đọc khỏe, làm cũng khỏe!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Liên hệ ngay