10 BÍ KÍP CẦN NHỚ ĐỂ THIẾT KẾ MỘT WEBSITE LÝ TƯỞNG
Trước hết chúng ta cần nắm rõ một điều: thiết kế web là một công việc có thể mất cả đời người mới có thể trở thành bậc lão làng. Cứ cho như đây không phải là một lĩnh vực quá khó học, nhưng với sự phát triển nhanh thần tốc của công nghệ qua từng giây từng phút, là một nhà thiết kế, bạn có thể đặt mình vào vị trí của Da Vinci để hiểu nỗi thất vọng chán chường đến nhường nào khi người khác phàn nàn về gương mặt của nàng Mona Lisa như trông “già đi” chỉ sau có 5 năm.
Thiết kế web là một nhiệm vụ mà rất nhiều người đang điều hành một doanh nghiệp phải đối mặt, nhưng chỉ có những chuyên gia về thiết kế web mới thực sự thấu hiểu mình cần phải làm gì. Nếu bạn muốn có một website thật ưng ý, bạn cần có một kiến thức cơ bản nhất định để có thể truyền đạt những điều bạn mong muốn. Ngay cả khi bạn có ý định thuê một chuyên gia để thiết kế web cho mình, bạn vẫn phải có một kiến thức nền nhất định để có thể phân biệt một người có chuyên môn với một kẻ nghiệp dư và có thể giải thích rõ ràng với họ những gì bạn cần.
Chúng tôi hiểu rằng phải hiểu hết toàn bộ mọi thứ về thiết kế web đối với những người không làm trong lĩnh vực này là một điều quá khó khăn, nên chúng tôi muốn giúp bạn có một chiếc sổ tay nho nhỏ để bạn có thể hiểu cơ bản về thiết kế web. Dưới đây là 10 mẹo thiết kế web bạn nhất định nên biết (đi kèm là một vài điều nên và không nên làm), được chia thành ba phần: Bố cục, Thẩm mỹ và Chức năng. Cho dù bạn có đang thuê một nhà thiết kế web hay tự design một website cho mình, hãy ghi nhớ 10 điều cơ bản sau đây để giúp website của bạn trở nên tuyệt vời hơn.
Bố cục
—
1. Dọn dẹp đống bừa bộn.
Đầu tiên, cần phải đề cập đến lỗi phổ biến nhất mà bất cứ ai khi mới bắt đầu thiết kế web cũng dễ mắc phải: tạo ra một màn hình hiển thị vô cùng lộn xộn. Hầu hết mọi người đều muốn hiển thị tất cả mọi thứ trên trang web của họ, và khi không biết nên bỏ đi và giữ lại thông tin gì, họ sẽ “ném” tất cả lên website – trên cùng một trang web.
Về cơ bản, khi bạn thêm bất cứ một chi tiết nào vào thiết kế web của bạn, nó cũng sẽ làm cho những yếu tố khác bị lu mờ đi. Nếu bạn sử dụng quá nhiều chi tiết gây mất tập trung, người dùng sẽ không thể biết đâu mới là nơi chứa thông tin quan trọng nhất và họ sẽ không có một trải nghiệm thống nhất trên trang web của bạn. Ngược lại, nếu bạn chỉ đưa lên website những chi tiết cần thiết, chúng sẽ phát huy được tác dụng và thu hút sự chú ý vì đơn giản, chúng không phải chia sẻ “sân khấu” với những thành phần khác trên web.
“Nhiều không gian trắng đồng nghĩa với việc không còn những mớ hỗn độn nữa, và đó chính là chìa khóa cho một thiết kế web tối giản, hiện đại” – Slaviana
Hãy cùng nhìn vào ví dụ trang web Intenz do Slaviana thiết kế, bạn sẽ thấy màn hình hiển thị không có gì khác ngoài các thành phần thiết yếu: menu điều hướng, logo, tagline, nút CTA (kêu gọi hành động), cùng một số hình ảnh phân bố rải rác để tạo cảm xúc và giới thiệu sản phẩm. Tất nhiên, họ thể hiện cả những thông tin khác, nhưng không phải trên cùng một màn hình, để giảm bớt sự chật chội và tạo cảm giác thoáng đãng cho website.
Để có thể thành công thiết kế một trang web, bạn cần sắp xếp nó thật hợp lý – cần phải có một hoặc nhiều đường dẫn thật rõ ràng để người dùng thực hiện trên trang web để hoàn thành tác vụ. Có rất nhiều cách để làm được điều này (một số cách sẽ được nói chi tiết bên dưới), nhưng bước đầu tiên chắc chắn cần phải làm đó là hãy tạo không gian cho các yếu tố quan trọng, ưu tiên cao hơn bằng cách bỏ đi những thành phần không quan trọng, ưu tiên thấp.
Nên:
- Cắt giảm sự dư thừa: Kiểm tra lại thiết kế của bạn để tìm ra đâu là những thành phần thiết yếu nhất. Nếu có một chi tiết nào đó không có tác dụng cải thiện trải nghiệm tổng thể, hãy bỏ nó đi. Nếu một thành phần có thể đặt ở một trang khác, hãy di chuyển nó đến đó.
- Hạn chế các menu kéo ra: Các menu kéo ( dạng thả xuống, gập, v.v.) là một ý tưởng hữu hiệu để giảm cảm giác lộn xộn, nhưng hãy cẩn thận, vì bạn có thể “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” đấy! Nếu có thể, hãy cố gắng giới hạn các menu ẩn này với con số là bảy.
Không nên:
- Sử dụng thanh bên: Khách ghé thăm lần đầu rất có thể sẽ không sử dụng đến chúng. Ngoài ra, nếu tất cả các tùy chọn không đặt vừa trong menu điều hướng chính, bạn cần tìm cách đơn giản hóa cấu trúc điều hướng của mình. (xem bên dưới).
- Sử dụng thanh trượt. Các chuyển động và hình ảnh được làm mới thường xuyên trên một thanh trượt gây mất tập trung và làm hạn chế sự kiểm soát của bạn đối với những gì người dùng nhìn thấy. Sẽ tốt hơn khi màn hình chỉ luôn hiển thị những hình ảnh đẹp nhất của bạn.
2. Sử dụng không gian trắng
Bạn định sẽ làm gì sau khi đã dọn dẹp hết mớ lộn xộn? Hãy thử nghĩ đến việc cứ để đó với một không gian hoàn toàn trắng xem sao?
Không gian âm (hay khoảng trắng) là một thuật ngữ kỹ thuật được sử dụng trong nghệ thuật thị giác dành cho các vùng nhất định không có tác dụng thu hút sự chú ý trong một bức ảnh. Thông thường, đây là những không gian trống, ví dụ như bầu trời không có mây hoặc một bức tường đơn sắc. Mặc dù nhìn rất đơn giản và có phần nhàm chán, nhưng nếu biết cách sử dụng chúng một cách nghệ thuật, không gian âm có thể bổ sung và nâng tầm chủ thể chính, tăng sự rõ ràng và làm cho hình ảnh dễ đi vào lòng người
“Câu thần chú của tôi là: Càng đơn giản càng tốt. Nó sẽ thu hút người dùng chú ý ngay lập tức vào những chi tiết quan trọng. Và, sự đơn giản cũng làm nên sự hấp dẫn.” – Hitron
Trong ví dụ Streamflow của nhà thiết kế cấp cao Hitron, khẩu hiệu (tagline) và nút kêu gọi hành động (CTA) là tâm điểm của thiết kế, không phải vì chúng lòe loẹt hay sặc sỡ, mà bởi xung quanh chúng là một không gian trắng. Màn hình đích này (landing screen) giúp người dùng dễ dàng thấy được công ty bạn đang làm gì và cần phải click vào đâu để đi tiếp. Chúng có cả hình ảnh rực rỡ của những đám mây, nhưng được thể hiện theo phong cách tối giản, một bố cục thông minh với những khoảng không gian trắng mang tính chiến lược.
Nên:
- Đặt các chi tiết quan trọng nhất của bạn ở giữa không gian trắng: Khi được bao quanh bởi càng nhiều không gian trắng, những chi tiết quan trọng nhất của bạn càng trở nên nổi bật và dễ thu hút.
- Tránh trang trí thêm những hình ảnh thứ cấp một cách nhàm chán. Các yếu tố mang tính thẩm mỹ khác như màu sắc hoặc kiểu chữ (xem bên dưới) sẽ có hiệu quả kém hơn với thị giác khi có nhiều không gian trắng.
Không nên:
- Thu hút sự chú ý không hợp lý vào những chi tiết không cần thiết: Chỉ nên sử dụng không gian âm xung quanh những chi tiết quan trọng bậc nhất. Ví dụ: nếu mục tiêu của bạn là tăng tỷ lệ chuyển đổi, hãy đặt nút kêu gọi hành động như để lại email hoặc bán hàng vào giữa không gian trắng – chứ không phải là logo hoặc một lời rao hàng.
- Sử dụng hình nền có quá nhiều chi tiết. Thông thường, hình nền được cho là ít thu hút sự chú ý. Nếu nền của bạn không có đủ không gian trắng cần thiết, nó sẽ chiếm hết chú ý với người dùng và khiến họ “quên” đi những chi tiết quan trọng mà bạn muốn nhấn mạnh.
3. Hướng dẫn mắt người dùng của bạn với hệ thống phân cấp trực quan
Nếu thuật ngữ kỹ thuật “không gian âm” không thể đem lại hiệu quả, bạn nghĩ gì về hệ thống phân cấp thị giác? Đây là thuật ngữ đề cập đến việc sử dụng các yếu tố hình ảnh khác nhau về kích thước hoặc vị trí để giúp bạn có thể định hướng người dùng nhìn thấy yếu tố nào đầu tiên, thứ hai hay cuối cùng. Bắt đầu với một tiêu đề ở cỡ chữ lớn, nổi bật ở đầu trang web và kết thúc với một số thông tin pháp lý nho nhỏ ở phía cuối trang là một ví dụ điển hình về việc sử dụng hệ thống phân cấp thị giác để ưu tiên các yếu tố này so với yếu tố khác.
Thiết kế web không phải chỉ có việc bạn thêm gì vào trang web của bạn, mà còn là việc bạn thêm vào như thế nào. Ví dụ như nút kêu gọi hành động (CTA), không chỉ đơn giản là đặt nó ở đó. Các nhà thiết kế giàu kinh nghiệm sẽ biết cách đặt chúng một cách thận trọng và có tính toán, đồng thời chọn những màu sắc đậm để làm nổi bật và sử dụng những đoạn text gợi ý để kích thích việc người dùng click chuột. Các yếu tố như kích thước, màu sắc, vị trí và không gian trắng đều có thể làm tăng hoặc giảm sự gắn kết.
Hãy nhìn vào ví dụ ở đây, trang chủ Shearline ở trên ưu tiên ba yếu tố: tiêu đề, hình ảnh sản phẩm và lời kêu gọi hành động. Tất cả những yếu tố khác, thanh menu điều hướng, logo, những đoạn text bổ sung thông tin, tất cả đều là yếu tố phụ. Đây là một sự sắp xếp có tính toán của nhà thiết kế, có hiệu quả nhờ vào sự kết hợp sử dụng thông minh về kích thước, màu sắc và vị trí.
Bảng giải thích về nguyên tắc cơ bản của hệ thống phân cấp thị giác
Nhìn vào bảng được cung cấp bởi Orbit Media Studios, chúng ta sẽ biết được cách làm thế nào để thu hút hoặc đẩy lùi sự chú ý. Đây là những nguyên tắc đã được đơn giản hóa từ một chủ đề khá phức tạp, nhưng nó sẽ rất hiệu quả khi bạn hiểu được những nguyên tắc đơn giản đó.
Nên:
- Đảm bảo tính rõ ràng: Hầu hết người dùng không đọc từng câu từng chữ trên một trang. Họ thậm chí không để ý đến tất cả các chi tiết trên trang đó. Hiểu được hành vi này, bạn hãy thiết kế sao cho các yếu tố ưu tiên hàng đầu của bạn khó có thể bị người dùng bỏ qua.
- Kiểm tra nhiều lựa chọn thay thế khác nhau: Vì hệ thống phân cấp thị giác có thể trở nên khá phức tạp, bạn hãy tạo một vài phiên bản khác nhau (bằng cách sử dụng các mockup) và hiển thị chúng tới các người dùng khác nhau để thu thập những lời nhận xét.
Không nên:
- Sử dụng các yếu tố “đấu đá nhau”: Phân cấp thị giác có nghĩa là xuất hiện theo thứ tự: đầu tiên, tiếp theo, sau cùng. Thay đổi mức độ chú ý của từng yếu tố quan trọng để người dùng của bạn có thể dễ dàng đi theo một con đường rõ ràng.
- Quá lạm dụng: Chỉnh kích cỡ quá lớn hoặc sử dụng quá nhiều màu tương phản có thể gây phản tác dụng. Bạn chỉ nên sử dụng các chiến thuật thu hút sự chú ý khi cần, và đừng lạm dụng nó.
Tính thẩm mỹ
—
4. Lựa chọn màu sắc theo chiến lược hợp lý
Giờ thì bạn đã hình dung phần nào về một “bố cục hợp lý” rồi đấy. Hãy đi vào những chi tiết trong bố cục tổng thể đó! Ta sẽ bắt đầu với màu sắc, một công cụ hữu hiệu cho bất kỳ nhà thiết kế nào.
Mỗi màu sắc sẽ mang lại những sắc thái cảm xúc khác nhau. Nếu thương hiệu của bạn hướng đến sự đam mê và tràn đầy năng lượng, một màu đỏ đầy hứng khởi xem ra sẽ phù hợp hơn là một màu xanh thanh thiên tĩnh lặng. Bên cạnh việc chọn màu sắc tốt nhất để đại diện cho thương hiệu của bạn, bạn cũng cần tận dụng chúng thật tốt, như là áp dụng các màu tương phản để thiết lập hệ thống phân cấp thị giác.
“Để sử dụng màu sắc một cách có hiệu quả trong thiết kế web, bạn phải hiểu được màu sắc đó được tạo thành như thế nào và mối quan hệ giữa các màu sắc với nhau. Sự hài hòa và cân đối là chìa khóa dẫn đến thành công.” – Desinly
Hãy nhìn vào cách nhà thiết kế Desinly sử dụng màu cam trong thiết kế web cho Oil Sands Mastergroup ở trên. Trước hết, màu cam là một lựa chọn thông minh bởi vì nó gợi liên tưởng đến các thiết bị hoạt động nặng. Quan trọng hơn cả, màu cam được phối rất đẹp mắt với nền đen để làm nổi bật hơn. Họ cũng sử dụng một màu duy nhất để làm điểm nhấn cho các từ khóa chính và các nút, đặt trên nền một bức ảnh rất nghệ thuật.
Nên:
- Thiết lập một hệ thống phân cấp màu sắc: Sử dụng một màu duy nhất cho các chi tiết chính (chính), chi tiết highlight (thứ cấp) và các chi tiết ít quan trọng khác (nền).
- Bám chặt vào một chủ đề để tạo tính thống nhất: Một khi bạn đã có một bảng màu, hãy trung thành với nó. Hãy đảm bảo màu chính, màu phụ và màu nền phải có tính nhất quán trong toàn bộ thiết kế web của bạn.
Không nên:
- Chọn màu sắc yêu thích cho riêng mình: Màu sắc đã được chứng minh là đem lại hiệu quả cho các chiến dịch marketing. Nghiên cứu thật kỹ các nguyên tắc sử dụng màu sắc và đừng lãng phí một cơ hội quảng bá thương hiệu quan trọng.
- Những màu sắc xung khắc: Chọn màu sắc đúng thôi chưa đủ; chúng cần hài hòa với nhau. Màu tím và màu đỏ có thể tượng trưng tốt cho thương hiệu của bạn, nhưng sẽ là phản tác dụng nếu chúng “gặp nhau” trong cùng một thiết kế, và hoàn toàn có thể tạo ra một thảm họa cho bạn.
5. Đừng quên sử dụng những bức ảnh
Mặc dù không bắt buộc, nhưng nếu sử dụng những bức ảnh chụp đời thường trong thiết kế web của mình, hãy đảm bảo bạn đang làm đúng. Những bức ảnh đẹp, có ý nghĩa có thể đẩy mạnh mục tiêu kinh doanh của bạn, nhưng những bức ảnh kém chất lượng, ngược lại, sẽ kìm hãm bạn.
“Với những bức ảnh, bạn sẽ tạo được sự kết nối giữa thương hiệu với linh hồn của thiết kế. Nhiếp ảnh có thể tạo ra sự tương phản, thu hút sự chú ý và làm người dùng thích thú khám phá trang web của bạn.” – JPSDesign
Tương tự như nghệ thuật nhiếp ảnh, việc sử dụng ảnh chụp trong thiết kế web cũng phải tuân theo một số hướng dẫn cơ bản. Đưa một bức ảnh đẹp lên website cũng gần giống với việc chọn lựa một bức ảnh tuyệt vời để treo trong phòng triển lãm nghệ thuật, nhưng cảm xúc, phong cách và chủ đề phải trùng khớp với nhau. Hãy nhìn vào bức ảnh cực kỳ bắt mắt trong thiết kế web của JPSDesign ở trên. Những quả việt quất đó trông rất ngon, dù ở bất cứ đâu, nhưng nó đặc biệt gây hiệu ứng với người dùng khi lướt một trang web bán thực phẩm.
Nên:
- Sử dụng người thật: Hình ảnh của con người có xu hướng thu hút người dùng nhiều hơn, đặc biệt là những bức ảnh thật chụp nhân viên công ty hoặc khách hàng của bạn.
- Tạo một bầu không khí phù hợp: Cảm hứng nhiếp ảnh và phong cách chụp ảnh là vô tận, nhưng hãy khéo léo sử dụng những bức ảnh có thể thay bạn phát ngôn đúng nhất những gì trang web của bạn đang hướng đến. Nếu bạn muốn thể hiện một trang web vui vẻ, hãy sử dụng những bức ảnh chụp người đang mỉm cười.
Không nên:
- Sử dụng hình ảnh phổ biến trong kho ảnh có sẵn: Từ cần nhấn mạnh ở đây là “phổ biến”. Hình ảnh trong các thư viện có sẵn rất hữu ích, nhưng điều này chỉ đúng khi người dùng không biết đến sự tồn tại của chúng.
- Sử dụng ảnh có độ phân giải thấp: Đây là thời đại của công nghệ cao, với những bức ảnh HD chất lượng sắc nét tuyệt đỉnh. Vì vậy, chụp những bức ảnh có độ phân giải thấp làm cho một thương hiệu rất lỗi thời và thất bại trong việc thu hút người dùng. Một bí kíp nhỏ: Hãy nén ảnh trước khi đưa chúng lên website, các công cụ hiện đại có thể giúp bạn vừa giảm kích cỡ bức ảnh gốc, vừa giữ nguyên chất lượng tuyệt vời của nó.
6. Tối ưu hóa kiểu chữ dùng cho thương hiệu của bạn
Mặc dù các từ mà bạn, hoặc copywriter của bạn sử dụng có thể đã tạo được một hiệu ứng rất tốt, chúng vẫn có thể đem lại hiệu quả cao hơn nhờ việc bạn khoác cho chúng một vẻ ngoài phù hợp hơn.
Nghệ thuật với các con chữ bao gồm những hiệu ứng kích thích thị giác, đặc biệt là phông chữ, cùng một số yếu tố khác như kích cỡ, màu sắc văn bản, kiểu chữ (in nghiêng, in đậm, v.v.) và cách giãn khoảng cách giữa các chữ cái, từ và dòng. Tất cả những yếu tố này đều tác động đến việc phân cấp thị giác và ảnh hưởng đến việc người dùng sẽ cảm nhận thế nào về thương hiệu của bạn.
“Nghệ thuật với các con chữ có thể rất lôi cuốn thị giác, nhưng một khi bạn sử dụng sai font chữ, người dùng sẽ không thể nào tập trung vào thông điệp mà bạn muốn truyền tải, thậm chí là họ sẽ cảm thấy khó chịu với website của bạn. Kết hợp một kiểu chữ in đậm với một dải xoắn theo phong cách tối giản có thể là một ý tưởng khá hay ho.” – Studio Ubique
Giống như màu sắc và nhiếp ảnh, nghệ thuật với các con chữ rất phong phú về phong cách, vì vậy hãy chọn một phong cách hữu ích nhất đối với thương hiệu của bạn. Để thêm một chút tinh tế cho thiết kế web Her Habesha ở trên, nhà thiết kế Studio Ubique sử dụng một kiểu chữ rất sặc sỡ nhưng không kém phần sang trọng cho các tiêu đề. Nhưng hãy chú ý hơn vào cách Studio Ubique chuyển dần kiểu chữ đối với các tiêu đề phụ, hay kiểu chữ không chân tinh tế, hiện đại cho tên các sản phẩm đặt bên dưới hình ảnh để đạt được sự cân bằng.
Nên:
- Sử dụng phông chữ dành cho web: Vì ngày nay có quá nhiều font chữ, giải pháp an toàn nhất đó là luôn lựa chọn các font chữ được xác minh là “an toàn trên web”, vì chúng có thể hiển thị trên hầu hết các thiết bị và màn hình máy tính.
- Nghiên cứu các kiểu chữ khác nhau: Bạn có biết font chữ có chân (serif) là gì không? Nghệ thuật sắp đặt chữ vô cùng nhiều sắc thái, vì vậy hãy tìm ra năm loại font chữ để tạo cho mình một số lựa chọn khác nhau.
Không nên:
- Sử dụng quá nhiều font chữ nổi bật: Các font chữ sặc sỡ, bay bướm có thể thu hút sự chú ý cho các tiêu đề hoặc các từ đứng độc lập, nhưng sẽ rất lố nếu nó được sử dụng một cách bừa bãi và thừa thãi.
- Sử dụng cùng một kiểu chữ cho tất cả mọi chi tiết: Như trong ví dụ Her Habesha, typography đem lại hiệu quả tốt nhất khi nó có sự hòa hợp. Sử dụng các cách kết hợp khác nhau cho các tiêu đề, tiêu đề phụ và các đoạn văn bản, đồng thời cần đảm bảo tính thống nhất trên toàn trang web.
Chức năng
—
7. Điều hướng hợp lý
Cuối cùng, chúng ta cũng đi tới phần Chức năng: những điều website của bạn có thể làm. Cuộc trò chuyện về chức năng của website phải luôn bắt đầu bằng điều hướng, thứ được ví như xương sống của bất kỳ trang web nào.
ỗi vị khách ghé thăm một trang web đều có những cách riêng để khám phá trang web ấy. Một thiết kế web tốt là thiết kế có thể điều hướng cho người dùng mục tiêu của nó và tạo nên một trải nghiệm điều hướng trực quan. Hãy luôn ghi nhớ, người dùng luôn có xu hướng nghĩ càng ít càng tốt.
Nhưng điều đó không hề dễ dàng. Ta sẽ bắt đầu với việc tổ chức toàn bộ một trang web: những gì có trong trang chủ của nó, những gì được chuyển đến một trang phụ, những gì có và không có trong menu chính. Mỗi câu hỏi đều cần được trả lời trước khi bạn bắt tay vào thiết kế web.
Từ đây, bạn phải bám chặt thiết kế theo điều hướng mà mình đã đặt ra để giúp người dùng dễ dàng truy cập, sử dụng giống như trong ví dụ trên.
Nên:
- Cân bằng số lượng các tùy chọn: Ai cũng muốn cung cấp cho người dùng thật nhiều lựa chọn nhưng lại không muốn làm họ bị bối rối bởi quá nhiều tùy chọn. Hãy sắp xếp các danh mục trang của bạn thật hợp lý để thỏa mãn người dùng.
- Xây dựng điều hướng dựa trên dữ liệu người dùng thực: Khi mua giày online, một số người dùng sẽ vào mục “Trang phục” để tìm kiếm và một số khác sẽ truy cập vào phần “Phụ kiện”. Những nhóm khách hàng khác nhau sẽ có những sở thích và hành vi khác nhau. Vì vậy, hãy xây dựng cấu trúc điều hướng của bạn theo cách người dùng của bạn nghĩ, dựa trên dữ liệu thực tế. Đừng ngại tiến hành một số thử nghiệm người dùng nếu bạn đang cảm thấy bế tắc.
Không nên:
- Thử nghiệm với các format khác thường: Mặc dù một thử nghiệm với mức độ hợp lý có thể giúp nảy ra một số ý tưởng mới, nhưng tôi không khuyến khích bạn áp dụng với một thứ quan trọng như điều hướng người dùng. Để tránh làm cho người dùng của bạn suy nghĩ quá nhiều, hãy luôn ghi nhớ những quy ước đã bám chặt vào tiềm thức của người dùng: bên trên là menu điều hướng, logo luôn được liên kết với trang chủ, thanh tìm kiếm luôn đi kèm với biểu tượng kính lúp, v.v.
8. Ưu tiên thiết kế trên thiết bị di động
Những người lớn tuổi hơn (chứ không phải người già đâu nhé!) có xu hướng nghĩ về thiết kế web dành cho màn hình máy tính, nhưng sự thật là ngày nay đa phần người ta sẽ truy cập web từ thiết bị di động. Đó là lý do tại sao bạn phải đảm bảo rằng trang web di động của bạn luôn ở trong tình trạng tốt. Điều này không chỉ vì lợi ích người dùng của bạn mà còn vì cả bạn nữa. Cần phải đảm bảo vị trí trên bảng xếp hạng tìm kiếm của Google vì Google luôn cập nhật những thuật toán của mình thường xuyên về đánh giá khả năng đáp ứng của thiết bị di động.
“Khả năng đáp ứng của thiết bị di động” liên quan đến khả năng hiển thị của trang web trên các thiết bị có màn hình nhỏ. Nếu nội dung trang web của bạn bị cắt trên thiết bị di động hoặc hình ảnh xuất hiện ở những vị trí sai, chồng chéo lên nhau, khách ghé thăm trang web của bạn sẽ có một trải nghiệm thật tồi tệ. Ngoài màn hình nhỏ hơn, các thiết bị di động cũng có một bộ hướng dẫn thiết kế hoàn toàn khác, bao gồm các điều khiển như lướt, cuộn, do đó đừng ảo tưởng rằng thiết kế web của bạn hiển thị trên máy tính như thế nào thì cũng sẽ hiển thị y hệt như thế trên các thiết bị di động.
“Ngày nay, việc tiếp cận với một thiết bị di động trước là vô cùng quan trọng. Người dùng thường sẽ có xu hướng thực hiện các hành vi trên điện thoại khác hẳn so với thao tác trên máy tính. Vì thế, website được hiển thị như thế nào trên di động là gốc rễ của một thiết kế có hiệu quả. Hãy tập trung vào những thiết kế mang phong cách tối giản, thoáng đãng và loại bỏ những mớ hỗn độn thừa thãi để đảm bảo người dùng luôn tập trung vào nội dung website.” – Ink’d
Phiên bản trên thiết bị di động của bạn nên được ưu tiên xem xét, ngay từ khi bắt đầu. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn “cưỡi ngựa xem hoa” đối với phiên bản máy tính. Trang web của bạn cần phải nhìn đẹp, hiển thị tốt cho dù mọi người sử dụng thiết bị nào để truy cập. Hãy nhìn vào thiết kế web ở trên để xem cách nhà thiết kế Ink Inkd tạo ra các phiên bản khác nhau của một thiết kế và chỉ với một số điều chỉnh nhỏ nhỏ, ta đã thấy nó hiển thị tốt trên cả màn hình lớn và nhỏ.
Nên:
- Thiết kế phiên bản dành cho thiết bị di động trước: Khi thiết kế phiên bản dành cho thiết bị di động, bạn sẽ chỉ làm việc với các yếu tố thiết yếu nhất, lý do là bởi màn hình của các thiết bị này khá giới hạn về mặt không gian. Sẽ dễ dàng hơn khi phát triển phiên bản di động trước và sau đó bạn chỉ cần thêm các yếu tố phụ vào phiên bản máy tính để bàn, thay vì thiết kế phiên bản dành cho máy tính trước rồi lại ngồi mất thời gian cân nhắc nên bỏ đi chi tiết nào.
- Ưu tiên các thiết bị dựa trên dữ liệu người dùng thực: Các thiết bị “di động” là một thuật ngữ “ô dù” (một thuật ngữ chỉ một từ có thể nhóm các chủ đề gần nghĩa vào thành một nhóm), nhưng các loại điện thoại và máy tính bảng có kích thước màn hình và các thông số kỹ thuật khác nhau. Phân tích dữ liệu người dùng thực để biết thiết bị nào mà người dùng của bạn sử dụng nhiều nhất để truy cập, sau đó ưu tiên phát triển thiết kế cho chúng.
Không nên:
- Sử dụng các trang web với tên miền m.dot: Những trang web dành cho thiết bị di động có chứa “m.” trong URL là một giải pháp đã lỗi thời cho thiết kế web đáp ứng (responsive web design) dành cho thiết bị di động. Giải pháp này ra đời trước khi các chúng ta biết rằng có một ngày thiết bị di động sẽ vượt mặt máy tính để bàn như ngày nay. Trong kỷ nguyên này, những thiết kế đó sẽ làm tăng thời gian tải trang và gây hại cho SEO. Lựa chọn tốt nhất là thiết kế một trang web có thể hoạt động tốt trên tất cả các thiết bị có liên quan.
9. Đảm bảo văn bản rõ ràng, dễ đọc.
Thiết kế một trang web, đặc biệt là khi bao gồm cả hình ảnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mức độ dễ đọc của nội dung. Nếu bạn sử dụng một phông chữ đẹp nhưng không ai có thể đọc được, điều này chẳng khác nào “ném chuột mà đánh vỡ bình”.
Khi nói đến việc làm thế nào để đảm bảo một website dễ đọc, dễ nhìn, chúng ta đang đề cập đến 3 khía cạnh khác nhau:
- Nội dung tốt: Văn bản được viết để phục vụ cho việc đạt được mục tiêu kinh doanh của bạn với văn phong thu hút đối tượng mà bạn đang hướng đến.
- Trình bày có thẩm mỹ: Văn bản được bố trí hợp lý, tốt nhất là nên ở trong một không gian thoáng và được ngắt thành các đoạn có độ dài vừa phải.
- Dễ đọc: Font chữ và kích cỡ đều hỗ trợ cho việc đọc, vì thế cần lựa chọn phù hợp để tạo cảm giác thoải mái cho đôi mắt.
Mặc dù mức độ dễ đọc của văn bản chủ yếu phụ thuộc vào kiểu chữ, nhưng bạn cũng cần xem xét cả bố cục và cấu trúc, cũng như việc văn bản tương tác với các yếu tố khác mà chưa cần đề cập đến chất lượng thực tế của nội dung.
Thiết kế web dù có tuyệt vời đến đâu cũng không thể giải quyết vấn đề gì nếu không một ai có thể hiểu nội dung trang web của bạn đang muốn nói gì. Nhà thiết kế akorn.creative luôn ghi nhớ điều này. Hãy xem ví dụ thiết kế web ở trên, bức ảnh gốc được sử dụng để làm nền đã được làm tối đi và đổi màu B&W để tăng tính tương phản với văn bản và làm cho nó dễ đọc hơn.
Nên:
- Hãy chú ý đến các cặp màu: Màu văn bản tương tác với nền website như thế nào ảnh hưởng rất lớn đến mức độ rõ ràng của nội dung website, đặc biệt là với những người có tật về mắt. Hãy cố gắng trung thành với các cặp màu tương phản (tông màu sáng với tối), và nếu những phép thử của bạn đều thất bại, hãy quay trở lại với hai màu đen-trắng cổ điển.
- Thử nghiệm với các đối tượng độc giả khác nhau: Đối với bạn, một văn bản có thể dễ đọc nhưng với những người khác có thể lại không như vậy. Kiểm tra thiết kế thật cẩn thận với các đối tượng khác nhau để đảm bảo mọi thứ thật hoàn hảo.
Không nên:
- Sử dụng font chữ thảo (cursive) hoặc các màu sắc sặc sỡ cho phần văn bản chứa nội dung chính: Các phông chữ bay bướm sẽ đem lại hiệu quả cao nhất khi được sử dụng trong tiêu đề, nhưng khi người dùng phải đọc từng dòng văn bản liền kề nhau, thì tốt nhất là chúng ta nên sử dụng một phông chữ đơn giản và thoải mái cho đôi mắt của chúng ta.
- Viết một đoạn văn bản quá dài: Các đoạn văn bản không hồi kết khiến người đọc sợ hãi. Cách tốt nhất để chia nhỏ chúng là sử dụng định dạng trang một cách chủ động hoặc thậm chí gắt đoạn một cách bắt buộc.
10. Truyền đạt những gì bạn muốn tới nhà thiết kế
Hãy nói với nhà thiết kế của bạn rằng bạn đang có một ý tưởng tuyệt vời cho một tính năng trên trang web của bạn. Khi bạn càng diễn đạt tốt ý tưởng của mình, thì website của bạn khi bước ra ngoài đời thật sẽ càng giống như bạn hình dung.
Bởi vì đây là một công trình xây dựng mang tính tập thể, thiết kế web không chỉ đòi hỏi những kỹ năng về chuyên môn kỹ thuật, mà nó còn đòi hỏi kỹ năng giao tiếp. Truyền đạt những gì bạn muốn khi thiết kế trang web của bạn một cách thật chi tiết là cách duy nhất để bạn có thể hài lòng với sản phẩm cuối cùng. Bởi đơn giản một điều, các nhà thiết kế web không phải những siêu nhân có thể đọc được suy nghĩ của bạn nếu bạn không giao tiếp với họ.
Trong ví dụ AUSMAIDS của nhà thiết kế akdcreative ở trên, dường như như khách hàng đã nói rằng họ muốn có một tiện ích cho phép người dùng nhập số lượng phòng và tần suất của các lượt truy cập. Nhà thiết kế đã hiểu ý tưởng đó và thể hiện nó khá tốt. Đó là sự kết hợp lý tưởng giữa khách hàng với nhà thiết kế, và sản phẩm cuối cùng đã chứng minh điều đó.
Nên:
- Lên kế hoạch những gì bạn muốn trước: Viết những gì bạn muốn trên giấy, hoặc tạo một wireframe. Cả hai cách đều giúp bạn ghi lại tất cả mọi ý tưởng của bạn và chúng sẽ giúp nhà thiết kế của bạn có một điểm xuất phát chắc chắn.
- Luôn nghĩ thoáng: Thiết kế một trang web tuyệt vời nhất có thể là công việc của một nhà thiết kế. Vì vậy, hãy luôn rộng mở với các đề xuất của họ, ngay cả khi nó khác với những gì bạn dự liệu trước. Rất có thể, họ biết rõ những thứ mà bạn không biết.
Không nên:
- Mập mờ hoặc chung chung: Sử dụng các thuật ngữ chung chung và không cụ thể “sặc sỡ” hay “có tính tương tác cao” sẽ chẳng đem lại hiệu quả gì. Bạn đang muốn nói đến những màu nào? Làm thế nào để tăng tính tương tác cho người dùng? Khi đã diễn đạt, hãy diễn đạt càng cụ thể càng tốt – hoặc hãy đặt niềm tin vào nhà thiết kế của bạn.
Bạn đã biết được hết các bí kíp!
Biết hết 10 mẹo thiết kế web này là một chuyện, nhưng áp dụng chúng khi thiết kế trang web của riêng bạn như thế nào cho hợp lý lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Các mảng công việc như phối màu sắc, nghệ thuật sắp chữ, bố cục và khả năng phản hồi của thiết bị di động đều có những đòi hỏi nhất định. Vì vậy, đừng nản lòng nếu bạn không thể làm tốt tất cả mọi thứ trong cùng một thiết kế. Chỉ những nhà thiết kế chuyên nghiệp mới có thể thực sự hiểu chuyên sâu tất cả các mảng này. Tìm tới một người hiểu tất cả các nguyên tắc thiết kế web này như thể đó là bản năng của họ sẽ là lựa chọn an toàn nhất để giúp bạn có được một thiết kế web hoàn hảo.